MENU
Home » 2014 » July » 28 » Buổi bình minh của võ dân tộc
5:57 PM
Buổi bình minh của võ dân tộc

Tiến sĩ - Võ sư Phạm Đình Phong


Để góp phần làm sáng rõ truyền thống thượng võ oai hùng, lịch sử Võ học vĩ đại của dân tộc xuyên suốt từ thời lập quốc đến nay, nhằm khẳng định vị thế và những tinh hoa tuyệt diệu của nền Võ học Việt Nam, trước xu hướng nhiều môn võ ngoại đã và đang du nhập tràn lan và ngày càng “lấn sân” võ Việt.

Website chúng tôi lần lượt giới thiệu cùng quí độc giả loạt bài viết của TS – Võ sư Phạm Đình Phong, tác giả sách Lịch sử Võ học Việt Nam vừa được Trường ĐH Kỷ lục Thế giới và Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vinh danh, trao Bằng xác lập kỷ lục…  xoay quanh chủ đề nói trên.

Trong tiến trình hình thành và phát triển của xã hội loài người, các hoạt động võ – vật được coi là một trong những nhu cầu tất yếu khách quan, để vừa tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng, chống chọi với thiên nhiên, bệnh tật, thú dữ, trộm cướp và cao hơn nữa là cường quyền, áp bức, ngoại xâm, vừa là một loại hình vận động tự nhiên có điều kiện để sinh tồn, gắn kết hữu cơ với các hoạt động  thường nhật hàng ngày, như: chạy, nhảy, phóng, ném, đẩy, leo trèo, rượt đuổi, bơi lặn, chèo chống, bủa vây, săn bắn… và các trò chơi vận động dân gian, sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong các dịp lễ tết, đình đám…

Theo các sử liệu cổ và tương truyền: Ở nước ta, các loại hình võ – vật được hình thành rất sớm, xuất phát từ các thói quen vận động, thao tác lao động và sử dụng công cụ lao động sản xuất, săn bắn, chài lưới mưu sinh của người Việt cổ, như: Cuốc, Xẻng, Phóng, Dầm, Gậy, Câu liêm, Cào cỏ, Mỏ gảy, Chàng nạng, Chỉa ba, Dao phay, Rựa, Rìu, Búa, Giáo, Mác, Lao, Cung, Nỏ, tên… (các loại “công cụ” này, đến thời nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần, nhà Hậu Lê và nhà Tây Sơn được cách tân thành các binh khí sắc bén, phân phát cho dân binh để giết giặc, bảo vệ xóm làng trong giai đoạn đầu khởi nghĩa). Đồng thời mô phỏng theo các tính năng di chuyển, tự vệ, tấn công, né tránh, luồn lách, tư thế rình mồi, nhử mồi, vờn mồi, vồ mồi của một số loài động vật mà người Việt cổ thường “sống chung”, trong đó có Mèo, Gà, Trâu, Ngựa, Voi, Thỏ, Khỉ, Rắn, Sư tử, Cọp, Gấu, chim Đại bàng, Phượng hồng… (sau này được các nhà nghiên cứu võ học phân lập, phục dựng hoàn chỉnh thành các tiêu thức cơ bản, như: “Hổ quyền”, “Xà quyền”, “Miêu quyền”, “Kê quyền”, “Hầu quyền”, “Tượng quyền”… và các bộ pháp, tâm pháp, khí pháp, tấn pháp, thủ pháp, cước pháp, nhãn pháp… dựa trên cơ sở các nguyên lý và đồ hình “Bát quái pháp”, “Ngũ hành pháp”, qui luật “Tương sinh”, “Tương khắc” trong Học thuyết Âm – Dương và một số luận cứ về Triết học, Thiền học, Y học, Kinh dịch của phương Đông) .

Và từ các thói quen lao động, sử dụng công cụ lao động, mô phỏng theo các tính năng của các loài động vật, Tổ tiên ta đã chắt lọc, tạo tác, phục dựng theo từng đòn thế võ, miếng vật đơn lẻ, mang tính sơ khai, chủ yếu để phòng vệ, tránh né, chống trả, thoát thân. Sau này, dần dần được nâng lên thành các bài võ – vật và các môn binh khí chiến đấu liên hoàn, đa tác dụng mang tính sát thương cao, được các Vua Hùng và các Lạc tướng (Võ tướng) dày công truyền thụ, đưa vào sử dụng rộng rãi, không những trong Quân đội mà còn cả trong các tầng lớp nhân dân, để bảo vệ thành quả của Nhà nước Văn Lang (Nhà nước đầu tiên của nước ta) và trở thành thứ vũ khí lợi hại, thiết thân trong công cuộc phòng vệ, chiến đấu chống giặc ngoại xâm, bảo an giang sơn, bờ cõi.

Song, mãi đến khi xã hội bước sang thời kỳ phát triển của nền văn hóa Đông Sơn (cách nay khoảng hơn 2500 năm) thì các loại hình võ – vật mới có những bước tiến bộ rõ nét và trình độ chế tác các chủng loại binh khí mới nhanh chóng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng và nâng lên thành những chiến khí trọng yếu trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đủ sức vô hiệu hóa và đánh bại các loại binh khí độc hiểm, tinh xảo của kẻ thù. Theo sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, “Lịch sử Quân sự Việt Nam” và thực tế qua khảo cổ học, đã cho thấy: Càng về cuối thời Nhà nước Văn Lang, số lượng binh khí đã tăng vọt một cách đáng kể, từ việc khai quật phát hiện một số ít, nằm rải rác ở vùng lưu vực sông Hồng, sông Mã, thành Phong Châu (Kinh Đô của Nhà nước Văn Lang) trong giai đoạn đầu, ứng với nền văn hóa sơ kỳ đồng thau Phùng Nguyên (cách nay khoảng gần 4000 năm), thì đến giai đoạn đầu văn hóa Đông Sơn, đã tìm thấy vô số các chủng loại binh khí, được sản xuất khá hoàn chỉnh, đa dạng với nhiều kích cỡ, hình dáng khác nhau, bao gồm cả binh khí phòng thủ, lẫn binh khí tấn công, binh khí ngắn lẫn binh khí dài, trong đó phổ biến nhất là Giáo, Mác, Kiếm, Lao, Dao găm, Dao chiến lưỡi cong, Rìu chiến các kiểu, Chỉa ba, Búa, Qua, Cung, tên, Hộ tâm phiến (tấm che ngực)… Nhiều hình tượng chạm khắc trên các trống đồng Hoàng Hạ, Cổ Loa, Ngọc Lũ, trên nắp thạp Đào Thành, trên các ngôi mộ táng cổ, tang thuyền chiến… thường xuất hiện hình ảnh các chiến binh tay phải cầm Kiếm hoặc Giáo, Mác, tay trái cầm Hộ tâm phiến, nhiều tốp (từ 3 đến 5 người) cầm Rìu chiến, Dao chiến, vai mang Cung, tên hoặc đang giương cao thân Cung để lắp những mũi tên đồng cỡ lớn (gần như mũi Mác), chuẩn bị tư thế bắn đi, còn người chỉ huy thì mang Kiếm ngắn, đang ở tư thế đánh trống, ra hiệu lệnh thúc quân. Trong đó, các tinh binh võ nghệ cao cường đứng sát mũi chiến thuyền, luôn trong tư thế chuẩn bị phóng Lao hoặc Mác và nhảy sang thuyền giặc đánh “giáp lá cà”. Trên các tang trống Việt Khê, Hợp Minh còn khắc họa khá tinh tế sự hiên ngang, dũng mãnh của các tư thế võ chiến đấu, nhiều chiến binh đang khẩn trương thao tác lắp những mũi tên cỡ lớn vào táp Cung theo thế “tọa Hổ khai cung”, còn các chiến binh khác thì lăm lăm khí giới trong tay, ngực ưỡn về phía trước, đứng trụ chân trước theo thế “tiền tấn” chờ lệnh xuất kích.

Đến khi Nhà nước Âu Lạc ra đời, thì võ dân tộc và vật dân tộc mới được vua Thục Phán – An Dương Vương đặc biệt coi trọng và phát huy tối đa thế mạnh đặc thù của nó. Trong thời kỳ này ngoài các võ tướng kỳ tài, truyền dạy các bí quyết võ công, tạo tác các loại binh khí đa dụng, còn có “người Thần” Cao Lỗ (người làng Đại Than, Vũ Ninh, nay là Gia Lương, Bắc Ninh). Lúc nhỏ, ông đã phát tiết thông minh hơn người, tài trí như thần, văn võ siêu phàm, đã cùng các võ tướng dày công nghiên cứu, sáng chế được Nỏ Liễu. Sau này đổi tên thành Nỏ Liên Châu cỡ lớn, cực kỳ thần hiệu, cùng lúc có thể bắn được khoảng 20 phát tên bằng đồng, với vận tốc bay xa hàng trăm dặm và rất chuẩn xác. Để di chuyển thuận lợi và lắp đặt được trên chiến thành, đồi cao của Thành Cổ Loa, Nỏ được cách tân và gắn thêm bệ phóng, giá đỡ để bắn xuống chân thành khi bị giặc vây hãm, tấn công, còn khi di chuyển, Nỏ được đặt trên dàn xe cơ động, có ổ quay điều chỉnh tọa độ. Nhờ vậy, nên đã giữ được đất nước, bảo vệ vững chắc Loa Thành, tiêu diệt đại hùng binh thiện chiến, có võ công cao cường của Triệu Đà, làm cho chúng thất điên, bát đảo, hoang mang tột độ, không biết đó là loại “vũ khí” gì, từ đâu mà ra, do đâu mà có, nên gọi là “Nỏ Thần”.

Theo truyền thuyết: Sau nhiều phen đại thảm bại, Triệu Đà lập “quỉ kế” hòa hiếu, kết tình sui gia và cho con trai là Trọng Thủy sang ở rể vua Thục Phán, nhưng thực chất là lợi dụng mối tình trong trắng, thủy chung của Mỵ Châu và sự mất cảnh giác nghiêm trọng của Nhà nước Âu Lạc, để ăn cắp bí quyết thiết kế Nỏ Liên Châu, rồi về nước chế tạo hàng loạt, cất quân đánh chiếm nước ta vào năm 208 trước Công Nguyên. Sau này, sách “Thủy kinh chú” của Trung Quốc cổ có đề cập về tác dụng của Nỏ như sau: “ Người Lạc Việt phần nhiều rất giỏi thuật Cung, Nỏ, trong các trận giao chiến, họ thường dùng Cung, Nỏ cơõ lớn bắn tên đồng bay như mưa và rất chính xác…”

Vừa qua, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ở Loa Thành và các vùng lân cận khá nhiều mũi tên đồng, lãy Nỏ, táp đồng đựng tên cỡ lớn, nhiều mũi Giáo, Mác, Lao, Qua, Dao găm, Chỉa ba, Kiếm, mảnh áo giáp… trong đó ở vùng Cầu Vực (cách Loa Thành khoảng 200m) còn có cả một kho vũ khí, phương tiện chiến đấu.

Theo sách “Lịch sử Võ học Việt Nam” và tương truyền: Danh tướng Cao Lỗ còn là một đại đô vật nổi tiếng trong vùng, có sức mạnh phi thường, tay không vật ngã Trâu rừng, siết cổ Hổ dữ, nên được nhân dân suy tôn là Đô Lỗ. Sau khi vua Thục Phán sung vào đội quân tiên phong, ông có cơ hội giao đấu tranh tài cao thấp với các võ quan, võ tướng lừng danh trong triều, nhưng cuối cùng không ai địch nổi, nên được phong chức Đô Úy và được nhà vua tin cẩn, trọng dụng, cất nhắc vào các chức vụ quan trọng.

Qua các cứ liệu và lịch sử hình thành, phát triển của võ dân tộc trong giai đoạn đầu lập quốc, đã minh chứng về sức mạnh truyền thống, khả năng tự vệ, phương lược chiến đấu và trình độ võ công siêu việt của dân tộc ta. Đồng thời khẳng định các Vua Hùng là Thủy Tổ của võ dân tộc và sau đó Nhà nước Âu Lạc, do Vua Thục Phán – An Dương Vương trị vì đã có công khai mở, nâng tầm võ cổ truyền dân tộc cao rộng hơn, đáp ứng yêu cầu phòng vệ và chiến đấu bảo vệ chủ quyền đất nước.


 

PHẠM ĐÌNH PHONG

Kỳ sau:

  • Những tuyệt kỹ của Võ cổ truyền Việt Nam
Category: Lịch sử võ học VN | Views: 1244 | Added by: admin_02 | Tags: buoi binh minh cua vo dan toc | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
avatar