MENU
Home » 2014 » July » 21 » Tiến sĩ võ học Phạm Đình Phong
11:22 PM
Tiến sĩ võ học Phạm Đình Phong

Các triều đại phong kiến nước ta trước đây đã trao danh hiệu Tạo sĩ cho các võ tướng có tài. Người được phong danh hiệu này được coi là tương đương như các vị đỗ đại khoa trong các kỳ thi Đình, được gọi là “đồng Tiến sĩ xuất thân”. Ở Văn miếu Huế hiện còn các bia Tiến sĩ văn ghi tên các vị đỗ đại khoa nói trên và và ở Võ miếu có bia ghi tên các vị Tạo sĩ (tiến sĩ võ).

Thời hiện đại, chúng ta có những người đạt học vị Tiến sĩ về một môn khoa học nào đó (Toán, Lý, Hóa, Văn chương, Sử học, Luật hoc, Y khoa…), không biết nước ta đã có ai có bằng Tiến sĩ Võ học hay chưa?

 Võ sư – Nhà nghiên cứu Phạm Phong hướng dẫn tái hiện các bài Binh khí cổ vừa sưu tầm ở Bình Định

Võ sư Phạm Đình Phong sinh ra và lớn lên ở đất Bình Định, vùng đất nổi tiếng về võ nghệ. Ngay từ thuở nhỏ, Phạm Đình Phong đã được tôi rèn trong môi trường võ thuật nên khi lớn lên, ông đã am tường, thông hiểu, luyện tập thuần thục nhiều bài tập và nhiều đòn thế của trường phái võ Bình Định, cũng như nhiều bộ môn võ cổ truyền dân tộc Việt Nam khác.

Là người từng giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Thể dục Thể thao tỉnh Bình Định, Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam, Giám đốc Trung tâm UNESCO Bảo tồn – Phát triển Văn hóa Thể thao dân tộc Việt, ông đã xin thôi giữ chức Phó Giám đốc Sở Thể dục thể thao tỉnh Bình Định để tập trung sức lực, thời gian suốt 12 năm qua, dầy công nghiên cứu, biên soạn cuốn sách “Lịch sử Võ học Việt Nam”. Ông đã  đến các Viện bảo tàng, Thư viện, các Viện nghiên cứu, kho lưu trữ tư liệu, các vùng đất võ trên khắp mọi miền đất nước để sưu tầm, khai thác các nguồn tư liệu, gặp gỡ các dòng tộc võ, các môn phái võ Việt, các võ sư tài giỏi có tâm huyết, các nhà nghiên cứu võ học… để tìm hiểu, ghi chép, đối chiếu với những tư liệu mình có được để đúc kết hoàn chỉnh, vừa làm công việc qui tập, vừa phân loại, tra cứu… và vừa biên soạn.

Sách “Lịch sử Võ học Việt Nam” dày 784 trang, nội dung biên soạn từ thời lập quốc (Nhà nước Văn Lang) đến nay. Gồm 2 chương, 12 mục, hơn 80 tiểu mục về quá trình hình thành và các giai đoạn phát triển, các mốc son, sự kiện lịch sử oai hùng của nền võ học dân tộc…, trình bày có hệ thống nội dung các môn võ của Việt Nam.

Trong 784 trang có trên 100 hình ảnh minh họa và các bài “Thiệu võ cổ”.

Hai chương gồm:

Chương một: Từ Những tiền đề về lịch sử – văn hóa – xã hội đến Qúa trình giao lưu, phát triển võ Việt đến các nước trên thế giới

Chương hai: Hệ thống võ học Việt Nam. Nội dung cơ bản của  Võ Lý, Võ Lễ, Võ Đạo, Võ Kinh, Võ Cử, Võ Trận, Võ Miếu,  Võ Thuật, Võ Y, Võ Nhạc, Võ Phục… ; Quyền thuật và các nội dung tiêu thức cơ bản của quyến thuật; Binh khí và các nội dung tiêu thức cơ bản của binh khí…

Những mốc son đáng ghi nhớ…

Phần phụ lục…

Võ sư tâm sự: “Trong thời gian còn giữ chức vụ Phó giám đốc Sở TDTT Bình Định, tôi đã đi điền dã 3 năm để viết cuốn Lịch sử Võ học Bình Định (1997 -2000), sau đó đến nhiều nơi trong nước để nghiên cứu, sưu tầm các nguồn tư liệu, hiện vật, sách sử về võ cổ truyền Việt Nam. Tôi đã phát hiện sự “biến mất” khá nhanh các “bảo bối” của võ cổ truyền. Nhiều làng võ vang danh một thời, nay chỉ còn trong ký ức. Nhiều dòng tộc, môn phái nổi tiếng, rạng danh về võ học và đã tạo nên những anh hùng hào kiệt, những võ tướng, võ quan, những người đổ đạt đại khoa Tiến sĩ võ, Cử nhân võ… đóng góp nhiều công trạng cho triều đình, nhân dân trong việc chống ngoại xâm nhưng nay, vì một lý do nào đó mà con cháu đời sau không theo nghiệp võ nữa, nên hầu hết các tư liệu, hiện vật cũng không còn… Cũng có nhiều vị võ sư khi truyền thụ võ học cho học trò mình, họ không truyền hết tuyệt kỹ mà giữ lại một vài bí quyết, nên khi vị thầy đó qua đời thì tuyệt kỹ, bí quyết ấy cũng theo thầy xuống huyệt sâu. Thất truyền! Đứng trước thực trạng đó, năm 2001, tôi xin thôi giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở TDTT Bình Định để quyết chí dành hết thời gian, tâm trí cho việc nghiên cứu, tìm tòi để viết cuốn sách Lịch sử Võ học Việt Nam với hoài bão làm sống lại, sưu tập lại những giá trị tinh hoa của nền võ học cổ truyền nước nhà”.

“Tôi cũng đã tặng sách và đề đạt nguyện vọng của mình lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính Phuû và các Bộ ngành liên quan về việc sớm công nhận Võ Việt trở thành “Quốc Võ”, đưa vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể” của quốc gia, Tổ chức sưu tầm, đúc kết, bảo tồn võ cổ truyền dân tộc, thực hiện đề án Nâng tầm võ cổ truyền dân tộc Việt Nam trở thành môn võ có đẳng cấp Quốc tế. Sớm xây dựng giáo trình giảng dạy trong trường học, để rèn luyện sức khỏe và nâng cao tinh thần chiến đấu cho học sinh, sinh viên. Đưa Võ cổ truyền Việt Nam huấn luyện trong lực lượng Quân đội, Công an nhân dân thay cho các môn võ có xuất xứ ở nước ngoài”.

“Điều tâm nguyện sau cùng của tôi là toàn bộ số tiền vận động ủng hộ của các nhà hảo tâm và thu được từ việc bán sách, tôi sẽ đưa hết vào “Qũy hỗ trợ tài năng Võ Việt và giúp đỡ các vị võ sư nghèo, hoạn nạn”

Sau khi xuất bản, cuốn sách được dư luận đánh giá cao. Theo đánh giá của nhiều võ sư danh tiếng và các nhà chuyên môn về võ học, đây là một công trình nghiên cứu, biên soạn đầy đủ, chi tiết, cụ thể… về nguồn gốc, xuất xứ của các môn võ cổ truyền Việt Nam từ thời xa xưa và phát triển đến nay. Đây cũng là cuốn sách  đầu tiên viết về Lịch sử Võ học Việt Nam.

Võ sư Phạm Đình Phong và cuốn sách tâm đắc của ông

Ngày 21/9 tại TP.HCM, Tổ chức Kỷ Lục Việt Nam và Trường Đại học Kỷ Lục Thế Giới đã long trọng tổ chức Lễ vinh danh và trao Bằng Tiến sĩ danh dự cho 6 Tiến sĩ trong nước và 5 Tiến sĩ nước ngoài. Trong đó có Võ sư – Nhà nghiên cứu Phạm Đình Phong, tác giả công trình nghiên cứu, biên soạn sách Lịch sử Võ học Việt Nam. Nhân dịp này, Trung tâm sách Kỷ Lục Việt Nam (Vietkings) đã trao tặng Bằng xác lập Kỷ lục: “Người viết sách Lịch sử Võ học Việt Nam đầu tiên” cho tác giả Phạm Đình Phong, vì đã có công nghiên cứu, sưu tầm, đúc kết nguồn sử liệu, hiện vật, di chỉ đồ sộ của nền Võ học dân tộc suốt từ thời lập quốc đến nay, để hoàn thành tác phẩm trong 12 năm, góp phần bảo tồn, chấn hưng, tôn vinh, truyền bá và lưu lại đời sau di sản văn hóa thiêng liêng, độc đáo của Tổ tiên. Đồng thời khẳng định sức mạnh và truyền thống thượng võ oai hùng, lịch sử Võ học vĩ đại, tuyệt tác võ công siêu việt, đã góp phần đánh thắng tất cả các đế chế xâm lược hùng mạnh nhất qua các thời đại, thống nhất đất nước.

Võ sư Phạm Đình Phong (đứng thứ 3 từ bên phải) nhận Bằng Tiến sĩ danh dự

Hiện nay tác giả đã tiếp tục tái bản 3000 cuốn (có tu chỉnh, bổ sung các sử liệu) và lập thủ tục xin phép chuyển ngữ sang tiếng Anh, tiếng Pháp, để giới thiệu rộng rãi với các độc giả trong và ngoài nước.


Phạm Văn Dương

(theo tin của Trương Như Bá, Duyên Anh)

Category: Nhân vật võ học VN | Views: 475 | Added by: admin_02 | Tags: tien si vo hoc pham dinh phong | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
avatar