MENU
Home » 2014 » July » 23 » Võ sư Phạm Đình Phong nói chuyện võ thuật với sinh viên Saigonact
9:46 PM
Võ sư Phạm Đình Phong nói chuyện võ thuật với sinh viên Saigonact

Võ sư Phạm Đình Phong, Phó chủ tịch Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Unesco Bảo tồn – Phát triển văn hóa dân tộc Việt vừa có buổi nói chuyện chuyên đề Lịch sử võ học Việt Nam với sinh viên trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn (Saigonact) tại Hội trường A cơ sở 2, số 53/1 Phan Văn Hớn, P. Tân Thới Nhất, Q. 12.

Chuyên đề thu hút sự quan tâm của đông đảo sinh viên trường Saigonact tham gia. Tham dự buổi nói chuyện chuyên đề có sự hiện diện của thầy Lưu Đức Tiến – Đại diện Sở GD – ĐT TP. HCM, ThS. Nguyễn Kim Loan – Hiệu phó nhà trường, tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và gần 500 sinh viên trường Saigonact.

Võ sư Phạm Đình Phong

ThS. Nguyễn Kim Loan cho biết: “Với tiêu chí mỗi tuần một buổi nói chuyện chuyên đề, nhà trường mong muốn mang lại những kiến thức xã hội hữu ích cho sinh viên. Và sau buổi trao đổi chuyên đề võ thuật này, trường Saigonact sẽ thành lập Câu lạc bộ võ thuật tại trường”.

Lo ngại trước nền võ học Việt Nam quá đồ sộ, vĩ đại nhưng ngày càng mất gốc, nhạt nhòa, võ sư Phạm Đình Phong đã dày công nghiên cứu suốt 12 năm (2000 – 2012) và cho ra đời quyển sách về võ học đầu tiên của Việt Nam “Lịch sử võ học Việt Nam”. Với quyển sách này, võ sư Phạm Đình Phong đã nhận bằng Tiến sĩ danh dự của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam. Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) cũng trao tặng Bằng xác lập Kỷ lục Người viết sách Lịch sử Võ học Việt Nam đầu tiên cho tác giả Phạm Đình Phong vì đã có công nghiên cứu, sưu tầm, đúc kết nguồn sử liệu, hiện vật, di chỉ đồ sộ của nền Võ học dân tộc suốt từ thời lập quốc đến nay.

Kể đến những tiền đề về lịch sử võ học Việt Nam, võ sư Phạm Đình Phong khẳng định: “Võ học Việt Nam gắn với chiều dài lịch sử đất nước, từ thời Văn Lang nhằm đáp ứng yêu cầu vừa nâng cao sức khỏe, thể trạng, vừa đánh bại kẻ thù. Vai trò của võ học gắn với truyền thống và du lịch Việt Nam”. Có nhiều thông tin cho rằng nước ta vay mượn võ học Trung Quốc nhưng những tư liệu, sử liệu hình thành võ học Việt Nam khẳng định võ cổ truyền Việt Nam được hun đúc, sơ khai từ những thao tác lao động, công cụ lao động của người Việt cổ, có từ thời Văn Lang. Tiến trình hình thành và phát triển của võ học Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn và ghi dấu lại những mốc son đáng nhớ. Giai đoạn nhà nước Âu Lạc đã đưa võ học Việt Nam lên tầm cao mới khi người Việt lúc bấy giờ sáng chế ra chiến khí quan trọng: nỏ liên châu. Đến năm 1721 dưới thời vua Lê Hựu Tông, nền võ học Việt Nam phát triển vượt bậc khi Sở võ học được thành lập. Các trường võ học ra đời, 17 trường võ học ở các địa phương được đưa vào giảng dạy có giáo trình, chương trình đào tạo hẳn hoi và có các học hàm, học vị về võ như tiến sĩ võ, cử nhân võ, tú tài võ, phó bảng võ.

Hướng dẫn sinh viên nữ các thế võ phòng thân

Võ học Việt Nam trở thành quốc võ dưới thời vua Quang Trung – Nguyễn Huệ. Giai đoạn này được xem là đỉnh cao của võ cổ truyền, nền võ học phát triển rực rỡ khi hình thành nên đất võ Bình Định nổi tiếng. Khi nhà Tây Sơn sụp đổ,  đất nước rơi vào tay nhà Nguyễn, các vị vua sau cùng của triều Nguyễn không còn quan tâm, xem thường ban võ khiến võ học Việt Nam dần dần mất đi thế đứng và bị lãng quên, nhân tài võ học ngày càng hiếm gặp. Nhưng nhìn chung, từ những manh nha võ học Việt Nam thời Văn Lang, võ học Việt Nam đã từng bước phát triển, có giai đoạn phát triển đỉnh cao, đã đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có nền võ học phát triển cao siêu.

Hệ thống võ học Việt Nam gồm các thể loại cơ bản: Võ lý, võ lễ, võ đạo, võ kinh, võ trận, võ thuật, võ cử, võ nhạc, võ miếu và võ phục.  Ngày nay, võ học Việt Nam phát triển trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, có hàng trăm tổ chức võ học Việt Nam. Điều đó chứng tỏ sự phát triển không ngừng và vị trí vững chắc của võ học cổ truyền Việt Nam trên trường quốc tế. Võ học Việt Nam còn cũng gắn với văn hóa và du lịch Việt Nam. Loại hình tham quan, khám phá các làng võ cổ truyền ngày càng được du khách ưa chuộng. Từ Bắc chí Nam, nơi nào cũng có những làng võ, những võ miếu thu hút khách du lịch như: Làng võ Tà Lung – Tà Lũ – Hà Giang, làng võ ở Mê Linh – Vĩnh Phúc; làng võ Hét ở Nghệ An, làng võ Núi Tùng (vùng Bắc Trung Bộ); các làng võ ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, nhất là Bình Định (khu vực Trung Trung Bộ),… Các làng du lịch võ học kéo theo hệ thống nhà hàng – khách sạn phục vụ du khách tham quan, học võ ngày càng phát triển.

Cuối buổi nói chuyện chuyên đề có phần hướng dẫn của võ sư Long về các thế võ phòng thủ cơ bản dành cho các bạn nữ khi gặp phải kẻ xấu lợi dụng.


 

DIỄM THÚY

Category: Hoạt động võ thuật | Views: 1054 | Added by: admin_02 | Tags: vo su pham dinh phong noi chuyen vo | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
avatar